Tọa lạc tại Huyện Krông Nô, Đắk Nông, nơi có hơn 100 hang động lớn nhỏ được tạo thành nhờ dòng chảy nham thạch và ẩn mình trong lớp đá bazan, đồ án “Trung tâm trưng bày và khám phá hệ thống hang động núi lửa Krông Nô” được thiết kế nhằm khơi dậy sức sống tại vùng đất đá nham thạch núi lửa, bảo tồn những giá trị độc đáo, trường tồn của vùng đất này, và phát triển nguồn lực kinh tế cho người dân nơi đây.
BỐ TRÍ MẶT BẰNG
Nằm trên cánh đồng nham thạch, ở vết lõm của dòng chảy núi lửa phun trào, và dưới chân núi lửa Chư Bluk, với địa hình khu đất khá dốc, các tầng công trình được đặt trên 3 tầng địa hình một cách tôn trọng tự nhiên, không san lấp, đào bới, để tránh việc sạt lở tại khu vực này.
Công trình được tổ chức theo dạng quần thể, cụ thể như một trung tâm nằm ở điểm đầu tiên trong hành trình khám phá hệ thống hang động núi lửa, đây sẽ là nơi tập trung và hỗ trợ dịch vụ trekking; các điểm kiến trúc cảnh quan được phân bố ở khu vực núi lửa Chư Blưk và ở các hang động núi lửa xung quanh. Đây cũng chính điểm nhấn “kiến trúc quần thể” của công trình. Khối đón tiếp được tách biệt độc đáo, nhằm tiếp cận 3 mục đích gồm đón tiếp khách, tham quan trưng bày và du lịch khám phá.
Dòng chảy nham thạch, từ điểm khởi đầu Núi lửa Chư Blưk phun trào theo tuyến và tạo ra các hang động ngầm, do vậy mỗi điểm dòng nham thạch đi qua sẽ tạo ra các đặc điểm tự nhiên khác nhau. Các trạm dừng chân đặt trên những điểm này, vừa phục vụ du khách, vừa là các “Bảo tàng di động” trưng bày các đặc điểm tự nhiên tại nơi đó. Các “Bảo tàng di động” được bố trí như các hiện vật được trưng bày trên quần thể hang động núi lửa Krông Nô rộng lớn.
KỸ THUẬT – VẬT LIỆU
Việc xây dựng ở khu vực đồi núi đòi hỏi phải sử dụng nhiều kỹ thuật đặc biệt, chẳng hạn như về địa hình là giải pháp xây dựng mặt bằng công trình trên nhiều cao độ; sử dụng các tường chắn nhằm hạn chế sạt lở, đất tràn; và hệ mái nhỏ nhằm hạn chế sức nước lên công trình thông qua việc chia thành các khối nhỏ.
Vị trí khu đất khá xa so với trung tâm huyện, công trình hướng đến việc sử dụng các vật liệu, kết cấu kỹ thuật xây dựng và nguồn lực địa phương nhằm tối ưu chi phí, đồng thời làm bật được những yếu tố độc đáo trong kiến trúc bản địa. Cụ thể như sử dụng gỗ khò đen, loại gỗ đang được trồng gần khu đất bán kính 5km; đá nham thạch, loại đá có sẵn ở bối cảnh xung quanh khu đất, và kết cấu xây cất nhà đặc trưng của người dân tộc tại Krông Nô.
Do vậy, các yếu tố về kiến trúc, kỹ thuật, thẩm mỹ của công trình hoàn toàn hòa vào bối cảnh của khu vực, và hy vọng hồi sinh “vùng đất chết”. Không giới hạn chỉ tham quan các hiện vật trưng bày, công trình mở rộng với việc để du khách khám phá và tìm kiếm những giá trị lịch sử thực tiễn ở bối cảnh thật, bởi giá trị cốt lõi của lịch sử nằm ở bối cảnh xung quanh tại Krông Nô.
THÔNG TIN ĐỒ ÁN
Tên đồ án: Trung tâm trưng bày và khám phá hệ thống hang động núi lửa Krông Nô
Tên sinh viên: Đặng Thị Hoài
Trường: Đại học Kiến trúc TP.HCM
Chương trình: Đại học chính quy
Giám sát/ Hướng dẫn: TS. KTS Phạm Quang Diệu, KTS Nguyễn Tiền Phong, KTS Huỳnh Hữu Bách
Năm đồ án: 2023
Địa điểm: Xã Buôn Choah, Huyện Krông Nô, Tỉnh Đắk Nông
Diện tích khu đất: 7 ha
Tổng diện tích xây dựng: 9.750 m²
Chiều cao công trình: 25 m
Hình ảnh bởi: Đặng Thị Hoài
ー Construction+ Online