Merit | Hạng mục “Sinh viên” | Việt Nam | FuturArc Prize 2022
thuộc về nhóm Nguyễn Đặng Ánh Vy
Nguyễn Duyên Hồng Anh, Nguyễn Đặng Ánh Vy, Lâm Thư Ngọc Hà, Phạm Hoàng Tú Uyên và Lưu Dĩ Tường đến từ trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, chuyên ngành kiến trúc cảnh quan. Với nền tảng kiến thức này, nhóm mong muốn mang đến một góc nhìn mới về chủ đề Tái thiết kế, và hy vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển của kiến trúc bền vững thông qua bản sắc văn hóa.
Khu cư xá thuộc bán đảo Thanh Đa được mô tả như bị ‘đóng băng theo thời gian’. Đây là một trong những khu dân cư lâu đời nhất ở Tp. HCM, bốn mặt giáp sông Sài Gòn và kênh, được nối với đất liền và trung tâm thành phố bằng con đường độc đạo băng qua cây cầu duy nhất. Là một trong những dự án bị “treo” lâu nhất Tp.HCM, khu vực này phần lớn vẫn còn phát triển chậm so với các khu vực lân cận với nhiều tòa nhà chọc trời.
Cư xá Thanh Đa là một trong những khu cư xá đầu tiên ở Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1960. Với 22 dãy chung cư cao 5 tầng, nơi đây là nhà của hơn 4.300 hộ gia đình, đa phần thuộc tầng lớp lao động. Theo nhóm nghiên cứu, cư xá này đã từng là cái nôi của một cộng đồng – nơi mọi người sinh sống, kết nối và lớn lên cùng nhau. Mặc dù vẫn có những tiện ích như công viên ngoài trời, chợ và cửa hàng, nhưng cư xá Thanh Đa vẫn thiếu các không gian được thiết kế dành riêng cho các hoạt động sáng tạo kết nối cộng đồng.
Đề xuất này tận dụng lợi thế của một ngôi trường trung học bị bỏ hoang nằm ở trung tâm của khu phức hợp. Ban đầu nơi đây được xây dựng để làm trường tiểu học, hiện nay trường không đáp ứng đủ số lượng học sinh trung học tại đây. Ngôi trường đã bị bỏ hoang một thời gian dài khi các hoạt động giảng dạy được chuyển qua cơ sở khác.
THƯ VIỆN CỘNG ĐỒNG
Nhóm đã đề xuất tái thiết kế ngôi trường này thành một thư viện công cộng để cung cấp một không gian sáng tạo cần thiết, khơi dậy sức sống cho khu cư xá.
Ngoài vai trò là một không gian học tập và chia sẻ để nâng cao kiến thức— bao gồm phòng đọc chữ nổi — thư viện cũng sẽ cung cấp không gian cho các hoạt động thể chất lành mạnh như trượt băng, leo tường, bóng bàn; và một khu vực mở dành cho trẻ em vui chơi. Các phòng học điển hình còn được bố trí thành không gian studio phục vụ các buổi hội thảo nghệ thuật và thủ công, trong khi hội trường được sắp xếp hài hòa gồm một giảng đường và phòng trưng bày đa năng để tổ chức các sự kiện.
Sự can thiệp về kiến trúc
Khoảng 80% công trình hiện tại sử dụng các vật liệu dạng cứng trong thiết kế cảnh quan, nhóm nghiên cứu xác định việc thiếu cây xanh là một trong những yếu tố khiến bầu không khí nơi đây trở nên ngột ngạt. Các phòng học có cùng kích thước và thiết kế đơn điệu, đây cũng là cấu trúc xây dựng điển hình của một ngôi trường công lập.
Để làm cho không gian trở nên dễ chịu hơn, nhóm nghiên cứu đề xuất giữ lại kết cấu hiện hữu, chỉ tháo dỡ một số bức tường để tạo sự kết nối, nhưng xây thêm một số bức tường khác liên kết với mái. Được thiết kế theo một vòng tuần hoàn, và được bao phủ bởi cây xanh, mái xanh giúp tăng tỷ lệ mảng xanh và làm dịu nhiệt độ tại khu vực có mật độ bê tông cao, đồng thời hấp thụ CO2, thải oxy giúp giảm ô nhiễm không khí. Ngoài ra, mái xanh còn giúp thu gom nước mưa, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước.
Phần mái dốc giúp tăng thể tích không gian bên dưới để thông gió tốt hơn. Lớp vỏ bao che được thay bằng gạch đất nung, lớp gạch thông gió được ốp bên hông công trình, cùng với cấu trúc thông tầng, tổng thể giúp không khí lưu thông tốt hơn trong các không gian, mang lại cảm giác thoải mái cho các hoạt động đọc sách và học tập.
Khả năng nhân rộng và tác động
Chiến lược giữ nguyên kết cấu công trình, thiết kế lại lớp vỏ bao che thoáng, kết hợp thêm tầng thượng xanh như một không gian công cộng phục vụ cộng đồng; mô hình này có thể được áp dụng cho các tòa nhà bỏ hoang điển hình khác có chiều cao từ 5 tầng trở xuống ở Việt Nam.
Các hoạt động và thư viện công cộng được đề xuất trong dự án nhằm nâng cao trình độ học vấn chung của cộng đồng; mang đến không gian sinh hoạt cho mọi độ tuổi, giúp tăng cường sức khỏe và hạnh phúc; mang mảng xanh vào các khu đô thị chủ đạo sử dụng các vật liệu dạng cứng trong thiết kế cảnh quan; từ đó tạo nên những không gian cảnh quan có giá trị thẩm mỹ cao hơn — về cơ bản, đây là điểm nhấn của sự thay đổi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng tại nơi đây.
THÔNG TIN DỰ ÁN
Vị trí dự án: Khu Cư xá Thanh Đa, Phường 27, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM, Việt Nam
Diện tích khu vực: 3.600m2
ー Construction+ Online