NEWS & EVENTS ONLINE EXCLUSIVE

Diễn đàn nội thất Đông Nam Á Chủ đề: sức hút thị trường Asean

Diễn Đàn Nội Thất Đông Nam Á – Chủ Đề: Sức Hút Thị Trường Asean

Sáng ngày 27/11/2019, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) và Hội đồng Công nghiệp Nội thất Đông Nam Á (Asean Furniture Industries Council – AFIC) đã tổ chức Diễn đàn Nội thất Đông Nam Á với chủ đề “Sức hút thị trường Asean”. Với sự tham gia của các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương và đoàn với hơn 40 doanh nghiệp đến từ 7 Hiệp hội thành viên AFIC gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines, Myanmar, Lào, diễn đàn tập trung phân tích thực trạng, đánh giá, tiềm lực và dự báo xu hướng của ngành công nghiệp nội thất khu vực Asean.

Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch HAWA nhận định: “Asean hoàn toàn có thể trở thành một nền kinh tế mạnh, trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới nhờ vào nhiều lợi thế về tự nhiên, con người. Với dân số hơn 600 triệu người, kết cấu dân số trẻ, độ tuổi trung bình 29,1, Asean là khu vực có dân số lớn thứ 3 thế giới, số người trong độ tuổi lao động gần bằng quy mô dân số toàn EU. GDP Asean trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ USD, là khu vực kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Các nền kinh tế ở đây đã tạo ra một trong những khu vực trẻ và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Năm 2015, Cộng đồng Kinh tế chung Asean (AEC) hình thành tạo tiền để các nước thành viên thực hiện mục tiêu trong “Tầm nhìn Asean 2025” về một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa dịch vụ và đầu tư sẽ được dịch chuyển tự do. Việc xóa bỏ hàng rào thuế quan sẽ phát huy thế mạnh của mỗi thành viên tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, tạo ra sức sản xuất lớn, tăng tính cạnh tranh , trong đó có vai trò đặc biệt của ngành công nghiệp gỗ, nội thất.”

Tại diễn đàn, lãnh đạo 7 Hiệp hội các nước trong AFIC đã thảo luận bàn tròn về cơ hội gia tăng thương mại nội khối Asean, thúc đẩy hợp tác xuất khẩu sang các thị trường phát triển và tầm nhìn của lãnh đạo hiệp hội các nước về thị trường Asean. Các diễn giả từ các Hiệp hội thành viên đã đi đến nhận định nhất quán: “Asean là khu vực nhiều ưu thế vượt trội về nguyên liệu, sản xuất, phân phối, quy mô thị trường để phát triển ngành gỗ, nội thất. Năm 2018, toàn khối ASEAN xuất khẩu đồ gỗ 12,1 tỷ USD trên tổng lượng xuất khẩu 150 tỷ USD toàn cầu, chứng tỏ đây là trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn trên thế giới. Các thị trường chính của đồ gỗ Đông Nam Á là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Canada v.v.”

Ngành gỗ Việt Nam dẫn đầu khu vực về tiềm lực nhưng hầu hết doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng, thương hiệu riêng, sản phẩm riêng mà chưa thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu ngành. Bản thân các nước trong Asean cũng cạnh tranh với nhau. Vì vậy, cần có mục tiêu chung lớn hơn để tạo sự gắn kết, đồng thuận – hợp tác vì sự thịnh vượng chung. Nếu biết kết hợp các thế mạnh của nhau, liên minh với các đối tác khu vực, sẽ tạo nên chuỗi giá trị của ngành gỗ, tạo ra sản phẩm uy tín, chất lượng. Với sự liên kết đó, tương lai không xa, ngành gỗ Việt Nam nói riêng và Asean nói chung sẽ phủ kín bản đồ thương hiệu của thế giới. Nhận thấy được điều đó, ông Nguyễn Quốc Khanh – chủ tịch HAWA đề xuất mô hình “Hợp tác – Liên kết – Liên minh” giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhau, giữa doanh nghiệp và hiệp hội trong khối, tiến tới xây dựng tầm nhìn mới cho AFIC là “hợp tác vì sự thịnh vượng chung cho khu vực”.

Liên kết hợp tác trong ngành gỗ Asean dựa trên tiềm lực của từng quốc gia và chiến lược của từng doanh nghiệp. Với liên kết dọc là các trục mạnh về sản xuất của Việt Nam – Indonesia – Lào – Myanmar kết hợp với trục thương mại – thiết kế – dịch vụ phát triển cao của Thái Lan – Singapore – Malaysia – Philippines. Liên kết ngang là các Hiệp hội thành viên AFIC trong định hướng chiến lược và liên minh vì sự phát triển bền vững của ngành.

Ngành gỗ Asean đã và đang có những ứng phó tích cực nhằm đáp ứng với các thay đổi từ thị trường toàn cầu, bao gồm các cơ chế chính sách ở cấp quốc gia và thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh cấp doanh nghiệp. Mục tiêu cao nhất, xuyên suốt mà diễn đàn “Sức hút thị trường Asean” hướng đến, đó là thúc đẩy mối liên kết lẫn nhau giữa các doanh nghiệp Việt Nam, giữa doanh nghiệp nội khối, liên minh giữa các Hiệp hội thành viên vì một ngành gỗ Asean thịnh vượng, bền vững. – Construction+ Online