ONLINE EXCLUSIVE STUDENT FEATURE

Dệt

Dệt

Giải nhất  | Hạng mục “Sinh viên” | Việt Nam | FuturArc Prize 2020

thuộc về  nhóm Chu Minh Đức

Nguyễn Quang Huy, Huỳnh Tố Nga và Nguyễn Hoàng Long là sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội; Nguyễn Phi Hùng và Chu Minh Đức là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội. Quang Huy và Tố Nga là vừa tốt nghiệp đại học, và ba bạn còn lại hiện đang là sinh viên năm cuối. Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra ồ ạt và biến đổi khí hậu, các thành viên đều quan tâm tới việc nghiên cứu cải thiện môi trường sống và phát triển bền vững của thành phố.

Tọa lạc tại thị trấn Sapa, một trong những điểm thu hút du lịch gần Hà Nội, đồ án “Dệt” hướng đến việc cải thiện Sapa trước bối cảnh nơi này đang dần xuống cấp do mật độ đô thị hóa và thương mại hóa trong những năm gần đây, với đề xuất về một phương án phát triển bền vững bằng việc “Dệt” hai yếu tố quan trọng lại với nhau, đó chính là yếu tố con người và thiên nhiên.

Tên đồ án có ý nghĩa “Dệt” thiên nhiên vào khu vực đô thị từ quy mô nhỏ nhất đến quy mô lớn bằng cách tích hợp các yếu tố tự nhiên, tính bản địa văn hóa và giữ sự cân bằng kinh tế cho từng vùng nhỏ, thông qua các bước dệt “tấm thảm đô thị” ở quy mô đô thị để tạo khung phát triển hệ thống sinh thái, ở quy mô khu dân cư để mang thiên nhiên quay trở lại với thị trấn, và ở quy mô chi tiết kiến trúc để mang lại sự kết nối giữa các nhà với nhau và giữa các khu phố với nhau.

SỰ TÍCH HỢP

“Dệt” kinh tế vào đô thị bằng cách khai thác các trục phát triển kinh tế đối nội và đối ngoại dựa trên các trục hiện hữu của khu vực.

“Dệt” thiên nhiên vào đô thị bằng cách đề xuất các trục tự nhiên nhằm liên kết mạch thiên nhiên đã bị ngắt quãng bởi bê tông hóa, đồng thời tích hợp các trục này vào cấu trúc đô thị.

“Dệt” văn hóa vào đô thị bằng cách tạo ra các trục văn hoá liên kết các điểm trung tâm cộng đồng, và văn hoá địa phương sẽ được khuyến khích cũng như sẽ phổ biến trong và ngoài khu vực.

Hệ thống đô thị đề xuất được phân chia thành ba quy mô chính:

  • Quy mô đô thị (hub): phục vụ chiến lược phát triển có tính chất đô thị trong việc tích hợp thiên nhiên, kinh tế và văn hoá với nhau.
  • Quy mô cộng đồng (trung tâm cộng đồng): đưa các chiến lược phát triển quy mô đô thị đến với người dân khu vực và khách du lịch.
  • Quy mô khu dân cư: các điểm dân cư, cụm dân cư, cụm gia đình của khu vực

HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Về mạng lưới giao thông: trước hiện trạng đường đối nội không liên kết mạch lạc các khu vực trong thị trấn, dẫn tới mất cân bằng khu vực, giải pháp được đề xuất chính là nhấn mạnh các liên kết giữa hub-hub, cộng đồng – cộng đồng, hub – cộng đồng và khuyến khích giao thông công cộng bằng việc tổ chức các khu vực khuyến khích đi xe buýt điện, xe máy, xe đạp và đi bộ.

Về hệ thống hoạt động: Trước hiện trạng đô thị phát triển theo hai hướng dọc theo vùng có địa hình ổn định, thì giải pháp đề xuất chính là thành lập ba hub cho nông nghiệp, du lịch, lâm nghiệp và thuỷ sản trên các trục chính đô thị. Giữa các hub hình thành các trung tâm cộng đồng, những điểm này hình thành các trục cộng đồng của thị trấn.

Về hệ sinh thái: trước hiện trạng tồn tại nhiều điểm ngắt quãng của hệ sinh thái tự nhiên cũng như hệ sinh thái nhân tạo, giải pháp được đề xuất chính là hệ sinh thái trong khu vực đô thị bao gồm hành lang sinh thái, nước mặt, suối, trục nước ngầm, rừng đô thị, công viên, vườn hoa và hệ thống vườn trên mái của các công trình.

Bên cạnh đó, kiến trúc nhà ở cũng được biến đổi nhằm tích hợp các yếu tố sinh thái như đối lưu sinh thái trên mái, tạo các lớp “xanh” trên mặt đất. Đồ án còn kết hợp các “cấu tạo mô-đun” cho các ngôi nhà truyền thống, sử dụng “cầu ngang sinh thái” để hình thành hành lang sinh thái cho khu vực, “vòng tuần hoàn sinh trưởng” để kết nối và thích nghi với hệ sinh thái của các điểm kết nối, và “vòng tuần hoàn năng lượng” để trao đổi các hoạt động sinh thái, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.

SỰ TÁC ĐỘNG

Đề xuất hệ thống liên kết con người – tự nhiên gồm bốn yếu tố (văn hóa, kinh tế, động vật, thực vật) và hai hệ thống con (hệ sinh thái và hệ nhân tạo). Bốn yếu tố hoạt động, hỗ trợ và nuôi dưỡng lẫn nhau, góp phần cho sự phát triển của hai hệ thống kia. Thị trấn Sapa sau khi được “Dệt” có thể chữa lành hành lang sinh thái đại phương, bảo vệ thành phố Lào Cai và khu đô thị khác lân cận khỏi lũ quét từ dãy Hoàng Liên Sơn.

SỰ NHÂN RỘNG

Thị trấn Sapa có nhiều điểm tương đồng với nhiều khu vực đô thị ở Việt Nam và các nước Châu Á khác như khu vực đô thị miền núi, đa dạng văn hóa, định hướng phát triển du lịch, nằm trong một hệ sinh thái. Nghiên cứu về các mô hình phát triển đô thị, cộng đồng và mô hình kiến trúc ở Sapa từ đồ án này có thể được áp dụng rộng rãi ở các khu vực đô thị đó.

BÌNH LUẬN TỪ BAN GIÁM KHẢO

TS Nirmal Kishnani: Tọa lạc tại một thị trấn nhỏ thuộc vùng cao của Việt Nam, đồ án cho thấy được phương án thiết kế có thể dự đoán sự tăng trưởng đô thị và làm thế nào để sự tăng trưởng đó cũng là cơ hội định hình lại hệ thống tự nhiên và con người. Có một sự ngây ngô trong đồ án liên quan đến mức độ phủ xanh mái, nhưng trên tất cả, đồ án này là một minh chứng táo bạo cho thấy con người và thiên nhiên có thể cùng tồn tại hài hòa với nhau.

TS Anuj Jain: Đồ án này nổi bật vì cách nhìn về một nơi có tên là Sapa theo một tư duy đa chiều – về sinh thái, kinh tế và văn hóa. Đồ án định hình được thị trấn Sapa trở nên sinh thái hơn trong khi phục hồi nền văn hóa bản địa và nền kinh tế đa dạng từ việc phát triển du lịch. Ở cấp độ quy hoạch, thiết kế nhìn vào các khu rừng và hành lang đô thị, khu phố du lịch và nông nghiệp cũng là nơi tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương phát triển. Cuối cùng, điều đáng khen ngợi là đồ án thể hiện tầm nhìn sinh thái 50 năm (2020 – 2070) về các giải pháp phủ xanh giúp đưa các loài sinh vật trở lại nơi này.

GS Herbert Dreiseitl: Đây là một đồ án ấn tượng, đồ án đã chọn Sapa, một thị trấn ở khu vực phía bắc Việt Nam để phân tích sự biến đổi chậm nhưng liên tục về cảnh quan văn hóa tự nhiên thành một vùng đô thị ngày càng đông đúc. Hậu quả là môi trường sống sinh thái, các dịch vụ hệ sinh thái và hệ thống tự nhiên có nguy cơ sẽ biến mất hoặc đã biến mất với tốc độ chóng mặt. Đồ án cố gắng thể hiện sự kết nối giữa tự nhiên với nền kinh tế và văn hóa của con người, đồng thời đề xuất một kế hoạch chiến lược với các loại hình cảnh quan và danh mục hành động để mang các hệ thống tự nhiên trở lại môi trường xây dựng. Riêng phần minh họa rộng hơn chưa thể hiện được những tiềm năng đã hứa một cách thuyết phục, và điều này có thể được cải thiện.

Prof Chrisna du Plessis: Đồ án này được thiết kế dựa trên phép ẩn dụ cổ xưa về “dệt”, đan các sợi lại với nhau thành một loại vải tích hợp. Trong đồ án này, các mảng khác nhau về hệ thống kinh tế xã hội, công nghệ và sinh thái với đa dạng quy mô dần được đan dệt lại với nhau trong khoảng thời gian 50 năm để chữa lành hệ sinh thái địa phương, đồng thời, phát triển tiềm năng kinh tế, và cộng đồng. Đồ án còn minh họa một quá trình nhạy cảm về việc kích thích sự phát triển từ từ của một hệ thống sinh thái xã hội đang ngày càng xuống cấp và rối loạn trở thành một hệ thống sinh thái phong phú và đa dạng.

Xem chi tiết panel dự thi tại đây!

Proposal

Planning

Section

Bird Eye View

Energy

Module

Interaction

 

Replicabality

ーConstruction+ Online