NEWS & EVENTS ONLINE EXCLUSIVE

Chia sẻ kinh nghiệm từ nhà vô địch Cuộc thi FuturArc Prize 2020
Hạng mục Sinh viên

Ngay sau khi Cuộc thi Kiến trúc Quốc tế FuturArc Prize (FAP) 2022 với chủ đề “Tái thiết kế – Reinterpretation” dành cho Sinh viên chính thức được bắt đầu, chúng tôi đã phỏng vấn nhóm đạt giải Nhất FAP hạng mục Sinh viên mùa giải trước đến từ Việt Nam để truyền cảm hứng cho các cá nhân và nhóm dự thi năm nay.

Nhóm đạt giải mùa trước gồm Nguyễn Quang Huy, Huỳnh Tố Nga & Nguyễn Hoàng Long là sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội; Nguyễn Phi Hùng & Chu Minh Đức là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội. Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra ồ ạt và biến đổi khí hậu, các thành viên đều quan tâm tới việc nghiên cứu cải thiện môi trường sống và phát triển bền vững của thành phố.

Hãy cùng xem những chia sẻ của Nhóm đạt giải nhất cuộc thi FAP 2020!


Một lần nữa xin chúc mừng Nhóm đạt giải Nhất FuturArc Prize (FAP) 2020 ở Hạng mục Sinh viên! Hãy chia sẻ cho chúng tôi điều gì đã tạo hứng thú cho Nhóm quyết định tham gia cuộc thi này ngay từ đầu?

Nhóm xin cảm ơn Ban tổ chức đã tạo ra một sân chơi thú vị cho các sinh viên kiến trúc và kiến trúc sư trẻ. Đối với các sinh viên, cuộc thi FuturArc là một cuộc thi lớn, có tính cạnh tranh vô cùng cao, đặc biệt trong môi trường quốc tế. Các thành viên trong nhóm đều là sinh viên đến từ hai trường đại học đào tạo kiến trúc tại Hà Nội, luôn luôn tìm kiếm những cơ hội thử sức mình để được học hỏi, có thêm kinh nghiệm thiết kế. Đồng thời, chủ đề cuộc thi vào năm 2020, “Mang thiên nhiên trở lại thành phố”, cũng là một đề tài rất hấp dẫn đối với Nhóm.

Với chủ đề FAP 2020 “Mang thiên nhiên trở lại thành phố”, hãy chia sẻ những giải pháp sáng tạo mà Nhóm đề xuất cho dự án “Dệt” được lấy cảm hứng từ đâu?

Các giải pháp sáng tạo mà Nhóm đề xuất đều được phát triển từ những nghiên cứu liên quan trực tiếp tới khu đất và các vấn đề của nó. Có thể nói cảm hứng đó bắt nguồn từ ngay chính bản sắc đặc trưng của Sapa. Cái tên “Dệt” không chỉ nói lên đặc điểm chính của phương án mà nó còn gợi được cảm xúc về mảnh đất hiện trạng, cụ thể là hành động dệt vải của người dân tộc nơi đây.

“DỆT”

 Tại sao Nhóm lại chọn Sapa thay vì Hà Nội – nơi mà các thành viên trong Nhóm đã và đang sinh sống?

Sau khi liệt kê và nghiên cứu tổng thể các đô thị khác nhau tại Việt Nam, Nhóm nhận thấy các đô thị du lịch phát triển nhanh trong thời gian ngắn có các vấn đề nghiêm trọng liên quan tới sinh thái và môi trường. Sapa là một ví dụ điển hình, nơi có được những lợi thế để phát triển du lịch bởi điều kiện thiên nhiên lý tưởng và bề dày văn hóa đặc trưng. Trong quá trình đô thị hóa, sự mất cân bằng trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên đã làm biến đổi bản sắc văn hóa và môi trường tự nhiên của khu vực. Bởi vậy, nhóm cho rằng câu trả lời cho câu hỏi “Mang thiên nhiên trở lại thành phố” không chỉ đơn giản là mang cây xanh tự nhiên trở lại mà còn cần phải gìn giữ và phát triển được văn hóa khu vực.

Trong quá trình tham gia cuộc thi, Nhóm đã đối mặt với những thử thách nào, và Nhóm đã vượt qua những thử thách đó như thế nào? Bài học giá trị nhất mà Nhóm rút ra khi tham gia cuộc thi này là gì?

Thử thách lớn nhất nhóm gặp phải là việc kiểm soát được khối lượng nghiên cứu và ý tưởng phát triển phương án trên cả hai quy mô kiến trúc và quy hoạch. Để vượt qua thử thách đó, nhóm đã đánh đổi bằng lượng thời gian nghiên cứu vô cùng nhiều để tìm ra được hướng đi đúng và thú vị nhất. Sau khi hoàn thiện bài dự thi, bài học giá trị mà nhóm nhận được đó là phương pháp nghiên cứu và phát triển ý tưởng phải được nhìn nhận tổng quát và luôn đi sát các định hướng đã được thống nhất.

Giải thưởng FAP 2020 có ý nghĩa như thế nào đối với Nhóm? Đạt giải Nhất một cuộc thi kiến trúc quốc tế uy tín có thể nói là một xuất phát điểm tuyệt vời cho các bạn sinh viên, giải thưởng này có giúp được gì cho con đường học vấn cũng như sự nghiệp của các thành viên trong Nhóm?

Giải thưởng FAP 2020 có ý nghĩa rất lớn đối với từng thành viên trong nhóm. Bên cạnh sự khích lệ về mặt tài chính, giải thưởng FuturArc cũng phần nào định hình con đường phát triển của từng thành viên, tạo điều kiện vô cùng tốt cho điểm xuất phát mỗi người sau khi tốt nghiệp đại học. Sau gần 2 năm từ khi tham dự cuộc thi, các thành viên trong nhóm vẫn giữ được niềm đam mê với ngành kiến trúc và đều đạt được một số thành quả nhất định trên cả con đường hành nghề thực tiễn hay học tập và nghiên cứu kiến trúc.

Nhóm có lời gì muốn nhắn nhủ đến những bạn sinh viên đang dự định tham gia cuộc thi FAP 2022, đặc biệt là đối với chủ đề “Tái thiết kế” – yêu cầu thí sinh phải đề xuất các giải pháp Xanh sáng tạo để tái sử dụng các tòa nhà đang bị bỏ trống!

Đối với chủ đề năm nay, “Tái thiết kế”, Nhóm xin nhắn nhủ các bạn sinh viên đang có ý định tham gia hãy để ý tới việc nghiên cứu kỹ sự tác động của công trình tới các khu vực xung quanh để đưa ra được phương án có sức mạnh nội tại và ảnh hưởng tích cực tới cả các vùng lân cận. Giải pháp có được tính nhân rộng trên một phạm vi lớn thì cũng có thể là một điểm cộng lớn cho bài dự thi.

Hy vọng các bạn sẽ có được những phương án xuất sắc.
Hãy tìm hiểu và đăng ký dự thị FuturArc Prize 2022 tại đây hoặc tham khảo https://bit.ly/3lKG1X0

Hạn chót nộp hồ sơ dự thi là 25/02/2022.

Mọi thắc mắc liên quan đến cuộc thi, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
T: 028 6256 1010 Ext: 103
E: [email protected] hoặc [email protected].
Tham khảo thêm các dự án đạt giải cuộc thi FAP 2020.

一 Construction+ Online