Tọa lạc tại khu đất được ví như “kim cương” với hình tam giác vát cạnh cũng như vị trí vô cùng đắc địa thuộc khu vực Bến Thành, quận 1, đồ án Cao ốc phức hợp Bến Thành được thiết kế tối đa hóa công năng và diện tích sử dụng, hướng đến một địa điểm làm việc, lưu trú ngắn hạn, tổ chức và diễn ra các hoạt động văn hóa, thương mại – dịch vụ, kết nối cộng đồng, v.v., kỳ vọng tạo nên biểu tượng mới cho TP.HCM.
Công trình gồm các khối chức năng:
- Khối tháp: 1 tháp khách sạn 29 tầng và 1 tháp văn phòng 40 tầng,
- Khối đế: 5 tầng với chức năng trưng bày, triển lãm, hội nghị hội thảo, dịch vụ – công cộng, và
- Khối hầm: 3 tầng với chức năng kỹ thuật, đỗ xe, kho, trưng bày, v.v.
BỐI CẢNH – Ý TƯỞNG THIẾT KẾ
Ý tưởng về hình khối được cân nhắc kỹ lưỡng từ chỉ tiêu xây dựng khu đất, chiều cao, tầm nhìn, độ đặc – rỗng của khối, đến hình thức kết cấu; v.v., sao cho sự hiện diện của công trình hòa hợp nhất với bối cảnh.
Trong giai đoạn tiền thiết kế, các vấn đề liên quan đến bối cảnh như điều kiện tự nhiên, môi trường và xã hội đều đã được nghiên cứu, đánh giá để đưa ra giải pháp tối ưu ở các giai đoạn kế tiếp. Theo đó, 3 yếu tố bối cảnh quan trọng nhất được quan tâm chính là Lịch sử, Văn hóa và Cộng đồng.
Về yếu tố Lịch sử, để không làm mất đi giá trị các công trình di sản của thành phố, hình dạng khối đế được xử lý hạn chế che chắn tầm nhìn giữa các công trình, tạo kết nối phần nổi công trình với Công viên 23/9 và phần chìm công trình với hầm Sở Hỏa Xa. Mặt khác, để có thể trở thành biểu tượng mới của thành phố, công trình áp dụng hệ kết cấu mặt dựng Diagrid đương đại, nhưng vẫn kết hợp đặc tính mô-đun của kết cấu mái, cũng như tính thích ứng khí hậu của hệ thống bao che chợ Bến Thành trước đó. Tất cả sẽ tạo nên một công trình đồng bộ với tổng thể khu vực.
Về yếu tố Văn hóa, công trình tích hợp các chức năng hội nghị – hội thảo, trưng bày – triển lãm và dịch vụ – thương mại để phù hợp với văn hóa đô thị sầm uất của khu vực Bến Thành.
Và về yếu tố Cộng đồng, giải pháp chính là tạo ra các không gian tiện ích kết nối bên trong và bên ngoài công trình, tích hợp công nghệ trình chiếu màn hình LED ngoài trời để tạo thành một địa điểm kết nối mọi người, đặc biệt trong các ngày lễ quan trọng.
THÁCH THỨC KỸ THUẬT VÀ GIẢI PHÁP
Giao thông là một trong những thách thức lớn khi thực hiện công trình. Giao thông tiếp cận được xử lý bằng cách hạn chế tổ chức lối ra vào ở trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tuyến đường 1 chiều hẹp và luôn ùn tắc trong hầu hết các khung giờ); đồng thời tổ chức lối tiếp cận từ trục đường Lê Lợi; kết hợp với hệ thống đỗ xe ô-tô tự động gồm 4 cụm tiếp nhận xe tiếp giáp cả 3 trục đường xung quanh công trình, để giải quyết nhanh chóng yêu cầu nhận – trả xe ô-tô khi đỗ trong khung giờ cao điểm. Đối với vấn đề giao thông theo phương đứng, công trình áp dụng 2 giải pháp gồm phân tầng các cụm thang máy để tăng hiệu suất sử dụng, đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu di chuyển; và theo phân khu chức năng để phân chia các loại thang máy trên mặt bằng cùng vị trí đóng mở cửa thang máy theo tầng, tạo sự thuận tiện, hạn chế sự chồng chéo, và dễ nắm bắt khi sử dụng.
Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro từ áp lực gió – địa chấn, cũng như hạn chế đáng kể tác động của bức xạ mặt trời vào các không gian bên trong, giải pháp xử lý tối ưu nhất chính là việc ứng dụng hệ thống kết cấu “lõi kép – lõi trong là lõi cứng chịu lực, lõi ngoài là hệ Diagrid, kết hợp hệ thống double-skins – vừa là kết cấu chịu lực, vừa là lớp vỏ bao che”. Tổng thể giúp công trình trở nên bền vững và an toàn hơn.
THÔNG TIN ĐỒ ÁN
Tên đồ án: Cao ốc phức hợp Bến Thành
Tên sinh viên: Nguyễn Nhật Hoàng Long
Trường: Đại học Kiến trúc TP.HCM
Chương trình: Đại học chính quy
Giám sát/ Hướng dẫn: ThS. KTS Lê Hồng Quang
Năm đồ án: 2023
Địa điểm: Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM
Diện tích khu đất: 1,46 ha
Tổng diện tích xây dựng: 167.900 m2
Chiều cao công trình: 196.650 m
Hình ảnh bởi: Nguyễn Nhật Hoàng Long
ー Construction+ Online