IN THE SPOTLIGHT ONLINE EXCLUSIVE

Tác động của đại dịch COVID-19 đến Thiết kế và Kiến trúc bền vững

KTS Nguyễn Tuấn Nghĩa là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nghia-Architect từ cuối năm 2015 đến nay. Trải qua 5 năm, từ 2006 – 2011, học tập và làm việc tại Pháp, KTS Nghĩa đã tốt nghiệp thạc sĩ về thiết kế bền vững vào năm 2007 tại trường Đại học Bordeaux và thiết kế kiến trúc vào năm 2008 tại trường Đại học Grenoble, và từng làm việc tại các công ty kiến trúc như VEI, và Art’Ur trước khi trở về Việt Nam.

Hướng đến những giá trị của kiến trúc bền vững và sáng tạo nhằm đem lại những sản phẩm kiến trúc có chất lượng tối ưu và phù hợp nhất với bối cảnh và con người, Nghia-Architect đã có nhiều công trình được đăng tải trên nhiều tạp chí kiến trúc uy tín như FuturArc, Archdaily, Architizer, v.v. Ngoài ra, công trình “Maison T” của Nghia-Architect cũng đã thắng giải tại cuộc thi FuturArc Green Leadership Award 2018, hạng mục Thương mại. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Ông về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến thiết kế và kiến trúc bền vững.


Đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng thế nào đến thiết kế và kiến trúc trong thời gian sắp tới? Phương án thiết kế ứng phó dịch bệnh trong thiết kế không gian / tòa nhà?
Đại dịch COVID-19 là 1 biến cố lớn của toàn xã hội tác động lên mọi mặt cuộc sống trên thế giới và kiến trúc cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của đại dịch. Theo quan điểm cá nhân tôi sự ảnh hưởng này cũng sẽ có tác động nhỏ tới việc thay đổi hình thái thiết kế ở một số loại công trình đặc thù. Sự thay đổi trước tiên sẽ nằm ở các thiết kế kiến trúc dạng công trình y tế và các công trình công cộng ở quy mô diện tích lớn, nơi công năng của các công trình có thể hoán đổi và linh hoạt với các tình huống khác nhau. Hiện nay việc sử dụng các công trình công cộng sức chứa lớn (sân vận động, nhà hát, v.v) vẫn và đã được sử dụng trong những trường hợp có thảm họa thiên tai hay chiến tranh, nhưng để đối phó với dạng dịch bệnh y tế nghiêm trọng và đặc thù như hiện nay cũng chưa có tính toán cụ thể. Để mô tả mang tính dự đoán sự thay đổi thiết kế của các công trình này thì có thể hình dung tới việc thiết kế các hệ module có thể tháo lắp linh hoạt trong không gian nội thất. Công nghệ vật liệu và sự kiểm soát thông minh trong các tòa nhà cũng sẽ được tăng lên, còn về hình thức kiến trúc sẽ không có gì thay đổi.

Giải pháp thiết kế không gian sống nào giúp con người xoay sở được với tình trạng tự cách ly trong thời gian dài?
Với câu hỏi này chúng ta có thể nhìn rộng ra một chút. Trong suốt quá trình tiến hoá, tồn tại và thích nghi của con người hiện đại, tạm gọi là quãng thời gian hình thành và tồn tại kiến trúc, thiên nhiên là thứ không thể tách rời. Những đô thị cổ đại, những lối sống bền vững đều gắn với thiên nhiên và cùng cộng sinh để phát triển. Con người hiện đại được tiến hoá cũng như những hình thái kiến trúc gắn với lối sống hiện nay đều còn rất ngắn ngủi so với sự tồn tại của tự nhiên. Do vậy, ngay cả khi không có những đại dịch như COVID-19 như hiện nay (hay dịch cúm Tây Ban Nha khủng khiếp nhất trong lịch sử) thì các không gian sống đủ tốt, bền vững và giúp con người có thể vượt qua những khoảng thời gian cô lập hay tự cách ly vẫn là những không gian nên gắn với thiên nhiên. Những không gian sống đủ cởi mở và thân thiện, hoặc có thể tự tạo ra một môi trường bền vững cả về tâm sinh lý hay đảm bảo lương thực tự cung tự cấp ở một mức độ nào đó sẽ là lý tưởng. Nơi kiến trúc có thể cùng tồn tại và gắn với các điều kiện tự nhiên, đủ ảnh sáng, cây xanh, không khí trong lành sẽ giúp chúng ta dễ dàng vượt qua các khoảng thời gian cách ly như hiện nay.

Ông có nghĩ việc thiết kế không gian mở vẫn sẽ phổ biến sau khi đại dịch kết thúc?
Các dạng kiến trúc có không gian mở là nhu cầu cơ bản để giao tiếp của con người cũng như tạo ra sự gắn kết xã hội và văn hoá, với tôi nó cũng cần thiết như là không khí vậy nên không có sự phân biệt trước hay sau đại dịch. Rõ ràng chúng ta cần phải hít thở không khí dù nó có bị ô nhiễm đi chăng nữa, vấn đề đặt ra không phải là chúng ta không hít thở nữa mà chúng ta cải tạo chất lượng không khí như thế nào. Bản thân tôi là người thích tạo ra sự kết nối nên tôi thấy không có gì nghiêm trọng hay cần lo lắng về các không gian kiến trúc thiết kế mở để kết nối con người với con người hay con người với thiên nhiên và với các yếu tố xung quanh.

Ông có nghĩ không gian sống tập trung như chung cư cao tầng/ căn hộ kém an toàn hơn nhà riêng khi đại dịch bùng phát như hiện nay không?
Có chứ, sẽ có một tá những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro mất an toàn vì bản chất chung cư cao tầng hay căn hộ là chia sẻ tiện ích công cộng, nơi tập trung và có phát tán các yếu tố mất an toàn vệ sinh. Nhưng nếu chỉ giải quyết bài toán tình thế thì chúng ta không có sự lựa chọn nào khác. Với điều kiện sống ở các khu căn hộ với mật độ dân cư cao như hiện nay (nhất là tại Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh) trong thời điểm đại dịch này thì không gian sống tập trung sẽ đem tới sự tiềm ẩn nguy cơ lây lan và bùng phát dịch rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể kiểm soát và chuẩn bị cho các tình huống này khi có những tiêu chuẩn thiết kế áp dụng cho dạng công trình ở chung cư được tính toán chính xác, đảm bảo tiện nghi và an toàn trong các tình huống khẩn cấp về y tế.

Các tính năng bền vững của một tòa nhà, chẳng hạn như tự cung cấp điện – nước; hệ thống lọc nước và không khí, có thể giúp bảo vệ an toàn cho cư dân và ngăn ngừa sự lây nhiễm virus. Ông đồng ý hay phản đối với ý kiến trên ở mức nào? Làm thế nào để các tính năng bền vững có thể phổ biến trong tương lai?
Tôi đồng ý một phần với việc tạo ra các công trình Xanh, với tiêu chí bền vững thực sự vì bản thân tôi cũng là KTS thiết kế hướng tới “kiến trúc Xanh”. Tuy nhiên với các công trình nằm trong đô thị hiện nay thì rất khó để thực hiện vì là nơi tập trung với mật độ dân cư rất đông, hạ tầng luôn nằm trong tình trạng quá tải. Hơn nữa chi phí cho các dạng công trình này thường cũng sẽ tốn kém hơn và đôi khi xung đột với bài toán kinh tế của chủ đầu tư cũng như với người mua sử dụng. Nhưng tôi ủng hộ việc thiết kế các công trình bền vững và xanh một cách thực tế, không chỉ bởi việc phải ứng phó với đại dịch hay sự lây lan của virus. Rất khó để tạo ra ngay các công trình hoàn hảo về các tiêu chí bền vững như việc tạo ra các module tự cung tự cấp hoàn chỉnh, nhưng chúng ta có thể từng bước tạo dựng ra các môi trường sống chất lượng và bền vững hơn từ chính việc thay đổi nhận thức của mỗi người khi bắt tay xây dựng các công trình.

Để các tính năng bền vững của kiến trúc có thể phổ biến trong tương lai thì không có cách nào khác là phải giáo dục nhận thức về tính thiết yếu cũng như lợi ích của tính năng bền vững tác động tới cuộc sống của mỗi người hiện nay cũng như cho các thế hệ sau. Nó không chỉ nằm ở thiết kế hay công trình kiến trúc, nó còn phải ở lối sống. Điều này sẽ cần thời gian.

Làm thế nào để thiết kế một ngôi nhà có thể đáp ứng được cả tình trạng làm việc tại nhà phổ biến như hiện nay?
Câu hỏi này cũng giống như phần trả lời phía trên của tôi, nói đơn giản, hãy để bạn lại gần với thiên nhiên mọi thứ sẽ được giải quyết. Hãy thiết kế một ngôi nhà có đủ không gian cho nắng, gió, và cây xanh để bạn cảm nhận được sự sống, bạn sẽ sống làm việc hay làm mọi thứ tốt thôi.

Cùng với những phát triển về công nghệ, như máy quét nhiệt giúp ngăn chặn sự lây nhiễm virus, mọi người có nên lắp đặt thiết bị này tại nhà không?
Theo tôi là không cần thiết.

– Construction+ Online