ONLINE EXCLUSIVE STUDENT FEATURE

Bảo tàng tự nhiên công viên địa chất núi lửa Krông Nô

Tọa lạc tại vách đá địa chất thuộc khu vực cụm thác Đray Sáp, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, đồ án kiến trúc Bảo tàng tự nhiên công viên địa chất núi lửa Krông Nô là công trình có ý nghĩa giáo dục, giới thiệu sự đa dạng sinh học của vùng đất Tây Nguyên, những “lát cắt” lịch sử tự nhiên và chiều hướng tiến hoá của trái đất, đồng thời truyền tải thông điệp về sự thấu thị bền vững giữa tác động của con người hôm nay đến lịch sử hàng triệu năm của vùng đất này.

Với ý tưởng thiết kế chủ đạo “Không gian của tự nhiên trong tự nhiên”, đồ án nổi bật với hình ảnh vươn lên của khối công trình trong tán rừng hùng vĩ, tượng trưng cho những ngọn núi lửa vươn lên giữa cao nguyên đại ngàn, những ngôi nhà Rông vươn lên giữa những bản làng, và hình ảnh của con người vươn lên tồn tại giữa khắc nghiệt của tự nhiên. Công trình như một nét điêu khắc lên bầu trời, hòa nhập với tự nhiên và trở thành một phần của tự nhiên.

Tổng thể công trình được chia làm hai khu vực chính gồm khu công cộng và khu trưng bày. Khu công cộng có lối tiếp cận chính nằm ở mặt bên công trình, mở ra một không gian quảng trường rộng phục vụ các hoạt động cộng đồng. Trong khi, lối tiếp cận không gian trưng bày lại được bố trí ở phía sau, các khu trưng bày kính được xếp xen kẽ với các không gian mở hướng ra tự nhiên. Bên cạnh đó, công trình còn tận dụng tối đa địa hình tự nhiên vào không gian trưng bày, những không gian này được bố trí có trục bám theo vách đá địa chất, biến vách đá thành vật phẩm trực quan cho du khách thay vì sử dụng hình ảnh mô phỏng thiếu chân thực.

Địa hình dốc theo hai phương từ trước ra sau và từ phải sang trái cũng là thách thức lớn khi thực hiện phương án thiết kế. Việc hạn chế tác động tới khu vực rừng hiện hữu, và cảnh quan thác nước luôn là các yếu tố ưu tiên, trong khi hiện trạng thiên nhiên lại có tác động rất lớn đến các phương án kỹ thuật. Phương án thiết kế bám theo vách đá thẳng đứng bằng cách khéo léo áp dụng khung phẳng nâng công trình vừa có thể tạo ra độ vươn lớn vừa bám một phương vào vách đá, đồng thời giúp cho công trình không tác động đến tự nhiên, hạn chế được sự ảnh hưởng đến bối cảnh. Rừng cây bên dưới có thể tiếp tục phát triển và trở thành điểm tham quan khi xây dựng đường quan sát bên ngoài tự nhiên kết nối các khối trưng bày.

Bên cạnh đó, nhằm tránh san ủi quá nhiều ở địa hình có sẵn, công trình còn được thiết kế giật cấp theo phương ngang từ phải sang trái, bên dưới các không gian trưng bày là các kho vật phẩm với chiều cao thay đổi theo độ dốc địa hình và chìm sâu trong địa hình. Sự đảm bảo về mặt công năng cũng giúp tạo ra nhịp điệu trên mặt đứng của công trình, và sự nhấp nhô của các khối trưng bày cũng tạo nên sự hấp dẫn và hòa hợp trong bối cảnh tự nhiên tại đây.

Việc chia khung của kết cấu để tạo nên lớp vỏ bên ngoài công trình cũng là điều cần thiết, do đó, bề mặt của lớp vỏ được thiết kế không phải là một khối đặc mà kết hợp các “pattern” thay đổi liên tục. Đá Magma và trầm tích của khu vực công viên được sử dụng để làm lớp vỏ bao che bên ngoài. Ngoài ra, công trình còn hướng đến tăng sự kết nối chức năng bảo tàng với bên ngoài thông qua quy hoạch cảnh quan bên dưới tán rừng, nhằm tạo bước đệm kết nối giữa vùng lõi của công viên với bảo tàng và con người. Các tuyến đường đi dạo, các đài quan sát tham quan dưới cánh rừng, và các tuyến đường đi bộ, leo núi quy mô lớn, v.v là các yếu tố nổi bật trong quy hoạch cảnh quan, góp phần tạo điều kiện để con người được kết nối gần hơn với thiên nhiên.

THÔNG TIN ĐỒ ÁN
Tên sinh viên: Bùi Minh Châu
Trường học: Đại học Kiến trúc TP.HCM
Chương trình: Đại học chính quy
Giám sát/ Hướng dẫn: TS. KTS Phạm Phú Cường
Tên đồ án: Bảo tàng tự nhiên công viên địa chất núi lửa Krông Nô
Năm đồ án: 2019
Địa điểm: Huyện Krông Nô, Tỉnh Đắk Nông
Diện tích khu đất: 12.000 m2
Tổng diện tích sàn xây dựng: 21.905 m2
Chiều cao công trình: 50 m
Hình ảnh bởi: Bùi Minh Châu