ONLINE EXCLUSIVE STUDENT FEATURE

Bảo tàng khảo cổ học thành phố Hồ Chí Minh

Phối cảnh

Tọa lạc giữa các bảo tàng thuộc khu vực trung tâm văn hóa lịch sử Sài Gòn, ngay góc giao nhau giữa trục đường Lê Duẩn và Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, đồ án kiến trúc Bảo tàng khảo cổ học thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa đô thị. Với thông điệp để di sản được “sống”, đồ án như một lời thầm thì về vết tích của dòng thời gian, lịch sử, đồng thời, phản ánh lớp ký ức văn hóa Sài Gòn đã bị lãng quên và đánh mất theo năm tháng.

Hiện trạng khu đất là khu phức hợp gồm những công trình nhà phố lộn xộn trên trục đường Lê Duẩn tương phản với sự quy hoạch rõ ràng bởi các công trình công cộng, hành chính. Đó cũng chính là lý do tác giả chọn khu đất này, bởi nó không hủy hoại công trình di sản mà góp phần cân bằng lại bối cảnh chung của trục đường lịch sử. Quá khứ – Hiện tại – Tương lai là một dòng chảy không thể đứt rời thông qua ngôn ngữ kiến trúc, công trình thể hiện niềm trăn trở về hành trình tìm lại dấu vết ký ức Sài Gòn xưa.

Công trình là một không gian ký ức giữa hai thế cực Hiện hữu và Ẩn tàng, được khéo léo kết nối bằng khoảng trống và ánh sáng xuyên suốt sâu tận bên dưới lòng đất đến những tàn tích khảo cổ học thành Phụng. Ý tưởng từ hình khối đến vỏ bao che đều sử dụng đường nét kỹ hà đặc trưng. Thay vì tả thực thì ý đồ của tác giả là gợi sự liên tưởng đến vết nứt xé khối vuông làm đôi từ dấu vết thành Phụng bằng những nếp kỹ hà. Mặt đứng sử dụng những phương ngang rất rõ mang ý nghĩa của sự cố gắng hàn gắn hai mảnh ký ức phần đô và phần thị, yếu tố cốt lõi tạo thành của một Đô thị.

Bên cạnh đó, công trình được thiết kế có một khoảng lùi nhất định mở rộng tầm nhìn về một mảng xanh lớn của Thảo Cầm Viên và Bảo tàng lịch sử Việt Nam, đồng thời, chiều cao cũng được kiểm soát nhỏ hơn 30m, thấp hơn Bảo tàng lịch sử Việt Nam nhằm thể hiện sự tôn trọng với di sản kiến trúc cổ.

Thách thức lớn của công trình chính là làm sao để bảo tồn tốt được dấu tích khảo cổ học tại không gian tầng hầm mà vẫn đảm bảo tính khả thi. Hệ khung không gian vượt nhịp là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Vật liệu được sử dụng chủ yếu trong không gian kiến trúc là bê tông trần với “những bức tường” thể hiện sức mạnh và sự mạnh mẽ. Chúng có sức mạnh để phân chia, biến hình, và tạo ra đa dạng không gian. Lớp vỏ bao che được phủ bằng vật liệu hiện đại ETFE, như thể ký ức và cảm xúc được gói gọn trong lớp vỏ ngoài mới mẻ, hài hòa với nhịp sống đương đại và bối cảnh phát triển của đô thị.

Với ý niệm làm sống lại quá khứ trăm năm ngủ quên dưới lòng đất cùng với sự trăn trở làm thế nào để tạo sự hài hòa giữa cái cũ và cái mới, hài hòa giữa tư duy hiện đại và quá khứ hoài niệm, công trình như một bản hòa ca lưu trữ “không gian ký ức cộng đồng” của một Sài Gòn 300 năm đã từng bị đánh mất với những dấu ấn lịch sử, những dấu vết thời gian đi qua còn để lại.

THÔNG TIN ĐỒ ÁN
Tên đồ án: Bảo tàng khảo cổ học Thành phố Hồ Chí Minh
Tên sinh viên: Lê Trường An
Trường học: Đại học Kiến trúc TP. HCM
Chương trình: Đại học chính Quy
Giám sát/ Hướng dẫn: TS.KTS. Phạm Phú Cường
Năm đồ án: 2019
Địa điểm: trục đường Lê Duẩn và Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP.HCM
Diện tích khu đất: 1,98ha
Tổng diện tích sàn xây dựng: 29.000m2
Chiều cao công trình: 28m
Hình ảnh bởi: Lê Trường An